Hơn 135 năm thành lập,ôichùaxứbiểnlưugiữnhiềucổvậtquýbanthang chùa Xiêm Cán không chỉ lưu giữ nhiều cổ vật quý mà còn ngày càng hoàn thiện lối kiến trúc độc đáo bậc nhất miền Tây.
"Hòn ngọc" xứ biển
Chùa Xiêm Cán tọa lạc vùng ven biển, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu) khoảng 12 km. Nhìn từ xa, những chóp tháp mang dấu ấn văn hóa Angkor - Campuchia hiện lên nổi bật. Ấn tượng càng tăng khi đến gần, 4 mặt tường thành bao quanh chùa chạm trổ nhiều hoa văn, sơn son thếp vàng, lấp lánh như một "hòn ngọc". Cổng tam quan xây theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer: trên bảng tên chùa tạc tượng rắn nhiều đầu và những thiếu nữ nhảy múa, dưới là đôi chim thần Krut và cặp rắn 5 đầu uốn lượn.
Hòa thượng Dương Quân, trụ trì thứ 8 chùa Xiêm Cán, cho biết chùa được xây dựng năm 1887. Trước đây, hơn 40 gia đình đến bãi bồi hoang sơ này khai phá lập nghiệp. Khi ăn nên làm ra, họ muốn dựng chùa để tạ ơn. Trong đó, công đóng góp nhiều nhất là vợ chồng ông Trương Nên và bà Thạch Thị Nghé. Việc xây chùa rất gian nan, phải vận chuyển vật liệu bằng xuồng trên sông gần 10 km. Vì vậy, chùa có tên ban đầu là Komphisako, nghĩa là sông sâu. Về sau, một bộ phận người gốc Hoa đến định cư dịch tên chùa thành Xiêm Cán. Do tên Xiêm Cán dễ gọi và gần gũi nên được người dân sử dụng phổ biến.
Suốt một thời gian, chính điện chùa Xiêm Cán chỉ được dựng bằng cây lá vườn nên hay bị hư hỏng và bão đánh sập. Mãi đến năm 1974, chính điện chùa mới được xây bằng bê tông kiên cố. Hằng năm, các sư thầy đều ra sức sửa chữa, trùng tu chùa. Ngọc càng mài càng sáng, chùa càng được chăm chút, tôn tạo càng đẹp trong mắt mọi người. Giờ đây, chùa Xiêm Cán không đơn thuần là nơi chiêm bái đức Phật mà còn được chứng nhận là điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL từ tháng 11.2022.
Kiến trúc chùa Xiêm Cán được xây dựng theo trường phái Phật giáo Nam Tông. Tuy cùng cái nôi với nhiều ngôi chùa ở miền Tây, nhưng dấu ấn rất riêng của ngôi cổ tự này là quy mô rộng lớn 5 ha, gồm nhiều hạng mục, như: chính điện cổng sala, tháp chuông, cột trụ biển, khu mộ tháp, nơi nghỉ ngơi của các nhà sư, giảng đường… Dù là vách tường hay trụ cột, mọi chi tiết đều được đắp nổi tỉ mỉ với những hình tượng rồng Khmer, rắn thần Nagar, chim thần Krut vô cùng sinh động.
Điểm nhấn của Xiêm Cán là chính điện lộng lẫy, hoành tráng bậc nhất miền Tây, với chiều rộng 18 m, chiều cao và chiều dài 36 m. Phần vách, trần trong chính điện được trang trí công phu với hàng trăm bức bích họa vô cùng rực rỡ. Nội dung mô phỏng lại sự tích Phật Thích Ca từ khi ra đời đến khi đắc đạo, giảng đạo và nhập cõi niết bàn. Trung tâm là tượng Phật cao lớn với vẻ uy nghi, nhân hậu nhìn xuống như ban phước lành cho mọi người.
Niềm tự hào của người dân
Chùa Xiêm Cán hiện lưu giữ nhiều cổ vật quý giá hàng trăm năm tuổi. Đó là tấm bia đá đắp nổi bằng chữ Khmer cổ, bộ sách cổ bằng lá cây dày gần 70 trang và ngôi nhà gỗ truyền thống hơn 130 năm trưng bày những món đồ xưa liên quan đến nghệ thuật, văn hóa, sinh hoạt của người Khmer. Đặc biệt, tòa sala còn trưng bày một quả chuông đồng đã có từ ngày đầu xây chùa. Nhiều dịp hành lễ hay sinh hoạt hằng tháng, các sư thầy vẫn dùng chiếc chuông này khi cầu kinh, niệm Phật.
Diện mạo chùa Xiêm Cán rực rỡ nhưng không gợi cảm giác gay gắt, choáng ngợp. Bởi xung quanh các công trình là khuôn viên rộng hàng chục mét và những hàng cây cọ, cây dầu hàng trăm năm tuổi rũ bóng mát rượi. Điểm tô thêm cho không gian linh thiêng là hơn 100 pho tượng, là hóa thân của đức Phật với nhiều tư thế tọa thiền khác nhau, bố trí ở nhiều vị trí.
Nét sinh hoạt lâu nay của người Khmer xứ biển là đến chùa cúng hội vào 4 ngày trong tháng (8, 15, 23, 30 âm lịch). Nhiều người giữ thói quen đến chùa để cầu bình an, phước lành, mưa thuận gió hòa cho những chuyến đánh bắt xa bờ.
Bởi sự độc đáo trong kiến trúc, chùa Xiêm Cán thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh cả những ngày thường. Vì vậy, ngôi chùa là niềm tự hào đối với người dân địa phương. "Nhờ ngôi chùa này mà nhiều người biết đến vùng đất Bạc Liêu. Tôi coi chùa như nhà mình nên rất sẵn lòng phụ giúp các sư thầy trùng tu, sửa chữa để chùa luôn đẹp trong mắt mọi người", anh Thạch Sapol (30 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) chia sẻ.
Chùa Xiêm Cán hiện là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Hơn 135 năm tồn tại, phát triển, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng ngôi chùa này vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của đồng bào Khmer. Hằng năm, tại chùa diễn ra nhiều lễ hội, tết của đồng bào Khmer như: Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta... thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến hành hương, tham quan. (còn tiếp)